KHI CÔNG VIỆC KHÔNG CHỈ LÀ CÔNG VIỆC VỚI GEN Z
Sinh ra trong giai đoạn 1995 - 2010, Gen Z đã trưởng thành trong thời kỳ với nhiều biến động toàn cầu, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đại dịch COVID-19 năm 2020, đến cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Vì lẽ đó, Gen Z nhận thức rõ rằng sự chắc chắn trong cuộc sống chỉ mang tính chất tương đối.
Đại dịch là nguyên nhân chính khiến Gen Z cảm thấy bất mãn với công việc. Đối với nhiều người trẻ thuộc thế hệ Zoomers (một cách gọi khác của Gen Z), đại dịch xảy ra đúng vào thời điểm họ bắt đầu hành trình tự lập, chẳng hạn như bước chân vào đại học hoặc bắt đầu hành trình đi làm. Đây là giai đoạn quan trọng để mỗi cá nhân học cách tự chủ và tìm kiếm cảm giác an toàn cho bản thân.
Không có gì ngạc nhiên khi Gen Z gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường công sở. Các nghiên cứu từ AXA và nhiều tổ chức khác cho thấy, người lao động trẻ tuổi thường trải qua mức độ căng thẳng và kiệt sức cao hơn so với những đồng nghiệp có thâm niên. Báo cáo của Gallup công bố vào tháng 11 cũng chỉ ra rằng Gen Z là nhóm chịu áp lực công việc lớn nhất, trong khi thế hệ Baby Boomer (sinh từ 1946 đến 1964) lại ít bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng cảm thấy kỹ năng của mình chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc.
Lao động trẻ tại châu Á và trên toàn thế giới ngày càng cởi mở hơn khi cân nhắc việc nghỉ việc.
Các nghiên cứu cho thấy sự bất mãn trong công việc đang lan rộng. Một khảo sát của LinkedIn đầu năm nay chỉ ra rằng hơn một nửa lực lượng lao động tại Mỹ có ý định nghỉ việc, trong đó tỷ lệ này cao hơn đáng kể ở nhóm Gen Z.
Tại khu vực Đông Nam Á, khảo sát của EY vào mùa hè 2024 cho thấy 51% nhân viên tại Singapore và 45% nhân viên trên toàn khu vực có khả năng rời bỏ công việc trong vòng 12 tháng tới. Đáng chú ý, trong nhóm này, tỷ lệ ở Gen Z và Millennials lần lượt là 57% và 49%.
Tại Hồng Kông, theo khảo sát của Randstad Hong Kong, cứ năm lao động Gen Z thì có hai người sẵn sàng nghỉ việc nếu không được làm việc từ xa.
Khảo sát Mind Health Index 2023 của AXA cũng cho thấy 21% người tham gia khảo sát ở châu Á trong độ tuổi 18-24 dự định nghỉ việc trong năm tới – con số cao nhất so với các nhóm tuổi khác. Ba nguyên nhân chính bao gồm áp lực công việc, sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cùng mong muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Nhìn chung, các nghiên cứu này phản ánh sự không hài lòng sâu sắc với công việc của Gen Z. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ lười biếng hay ngại công việc vất vả. Ngược lại, việc chuyển việc của Gen Z chủ yếu xuất phát từ mong muốn bảo vệ sức khỏe tinh thần, tìm kiếm cơ hội tốt hơn và phát triển sự nghiệp bền vững hơn.
SỨC KHỎE TINH THẦN TRONG CÔNG VIỆC
Nơi làm việc là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe tinh thần của mỗi người, dù ở bất cứ đâu. Điều này ngày càng được công nhận bởi các tổ chức y tế như WHO, US Surgeon General và American Psychological Association.
Bên cạnh gia đình, công việc chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống thường ngày của mỗi người, gắn liền với đời sống cá nhân và sự đáp ứng các kỳ vọng từ xã hội, gia đình và văn hóa.
Nghiên cứu của AXA phát hiện rằng mối tương quan giữa sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc và hạnh phúc tổng thể mạnh nhất ở thế hệ Gen Z tại châu Á. Theo nghiên cứu, những người thuộc nhóm nhân khẩu học này đồng ý rằng khi công ty cung cấp hỗ trợ tốt về sức khỏe tinh thần cho nhân viên, nhóm này có khả năng đạt được hạnh phúc tổng thể cao hơn gần 30 lần.
Bài học mà các nhà tuyển dụng cần rút ra là việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần và cung cấp hỗ trợ cho toàn bộ nhân viên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích toàn diện cho cả tổ chức mà còn tăng cường sự gắn kết, đặc biệt đối với Gen Z và những đối tượng trẻ tuổi dễ bị tổn thương. Một số công ty đã bắt đầu triển khai các biện pháp hỗ trợ, tuy nhiên, hiệu quả có thể sẽ chưa thể thấy ngay tức thì.
GEN Z NÊN LÀM GÌ HIỆN TẠI?
Đối với những nhân viên trẻ cảm thấy không phù hợp với công việc hay tổ chức, họ có thể cảm thấy đây là một cuộc khủng hoảng tinh thần và cần giải quyết ngay lập tức. Trước khi đưa ra quyết định vội vàng, Gen Z nên dành thời gian cân nhắc kỹ lưỡng về lựa chọn của mình. Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn có định hướng rõ hơn.
Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể: Con đường sự nghiệp hiếm khi đi theo một đường thẳng mà thường có nhiều ngã rẽ, giống như một đường zigzag. Chúng ta cần chấp nhận điều này như một thực tế hiển nhiên. Rất ít người gắn bó với một công việc suốt đời, vì vậy, ngay cả khi không chủ động tìm kiếm, chúng ta vẫn nên suy nghĩ về bước tiếp theo trong sự nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc tập trung học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ngay từ bây giờ. Đồng thời, cần hiểu rằng mọi người đều sẽ đối mặt với thách thức, trở ngại và thất bại ở những mức độ khác nhau trên hành trình nghề nghiệp của mình.
Tìm kiếm sự hướng dẫn: Bạn có thể nhận được sự hướng dẫn từ gia đình, huấn luyện viên (coach), người cố vấn (mentor) hoặc bất kỳ ai sẵn sàng hỗ trợ. Điều quan trọng là chọn một hoặc nhiều người thực sự quan tâm đến sự thành công của bạn và có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Đặc biệt, sẽ rất hữu ích khi tìm đến những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hiện tại hoặc ngành nghề bạn muốn theo đuổi - ngay cả khi họ không làm việc cùng công ty với bạn.
Đừng quá khắt khe với bản thân: Không phải ai cũng yêu thích công việc của mình ngay từ đầu, thậm chí nhiều người có thể không bao giờ cảm thấy như vậy. Càng đặt kỳ vọng tìm thấy đam mê ngay lập tức, bạn càng dễ rơi vào áp lực nếu chưa thực sự gắn kết với công việc. Bên cạnh đó, việc phát triển bộ kỹ năng phù hợp cũng giúp Gen Z gia tăng sự hài lòng trong công việc. Những kiến thức học được trên ghế nhà trường có thể không áp dụng trọn vẹn vào thực tế, nhưng càng làm việc và tích lũy kinh nghiệm, bạn sẽ càng cảm thấy công việc trở nên phù hợp hơn.
Viết ra vấn đề của bản thân: Những khó khăn bạn đang gặp phải mang tính cảm xúc (lo lắng, căng thẳng, áp lực...) hay thực tiễn (thiếu kỹ năng, chưa đủ chuyên môn...)? Hãy thử chia vấn đề thành hai nhóm, với mỗi nhóm, xác định vấn đề, hướng giải quyết và những sự hỗ trợ bạn cần. Hiểu rõ và tìm cách xử lý sẽ giúp bạn tháo gỡ khúc mắc, đồng thời cũng là một cách để lắng nghe và thấu hiểu bản thân tốt hơn.
Đặt câu hỏi cho bản thân: Trước khi đưa ra quyết đinh, hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi muốn nghỉ việc? Tôi đã tìm kiếm sự hỗ trợ và cố gắng giải quyết những khó khăn chưa? Tôi đang hướng tới điều gì?” Mọi môi trường làm việc đều có những mặt tích cực và thách thức, vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Nếu bạn dự định rời đi, hãy xác định khoảng thời gian cần thiết để tìm công việc mới và đánh giá khả năng tài chính của mình trong giai đoạn chuyển tiếp.
Mỗi người có một cách khác nhau để gắn kết với công việc và sự nghiệp. Điều quan trọng là bạn tìm ra cách phù hợp nhất với mình. Đây là một phần trong hành trình của những nhân sự trẻ - và cũng là quá trình học hỏi kéo dài suốt sự nghiệp của mỗi người.
Karima Silvent,
Giám đốc Nhân sự Tập đoàn AXA