Làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, tích cực luôn là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều người đi làm rơi vào công ty có văn hóa độc hại (toxic culture), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, năng suất và sự phát triển sự nghiệp. Vậy làm sao để nhận diện công ty red-flag (công ty có văn hóa độc hại) và có hướng hành động kịp thời? Hãy cùng VCTF khám phá ngay!

1. Toxic Culture Là Gì? Tại Sao Bạn Nên Quan Tâm?

Toxic culture (văn hóa công ty độc hại) là môi trường làm việc nơi những giá trị tiêu cực, hành vi thiếu chuyên nghiệp và chính sách bất công gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhân viên. Theo báo cáo của American Psychological Association 2023, 76% nhân viên thừa nhận rằng làm việc trong một công ty có văn hóa độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ. Không chỉ gây căng thẳng, môi trường làm việc tiêu cực còn kìm hãm sự phát triển cá nhân và sự nghiệp. MIT Sloan Management Review ghi nhận các công ty có văn hóa độc hại có năng suất thấp hơn đến 20% so với những công ty có môi trường làm việc lành mạnh. Vì vậy, nhận diện công ty redflag từ sớm là chìa khóa để bảo vệ bản thân và tìm kiếm một việc làm phù hợp, tránh mắc kẹt trong một công việc không lành mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và năng suất của nhân viên. Nguồn: Freepik

2. Dấu Hiệu Nhận Biết Công Ty Độc Hại (Red-flag Cần Biết!)

2.1. Văn hóa sếp trên – nhân viên dưới (Văn hóa phân quyền)

Công ty không khuyến khích nhân viên đóng góp ý kiến, tạo nên một môi trường làm việc một chiều, nơi sếp luôn có tiếng nói cuối cùng. Nếu quản lý luôn cho rằng mình đúng và áp đặt quyết định mà không lắng nghe, đó là dấu hiệu của một môi trường không lành mạnh. 

Bên cạnh đó, nếu phản hồi từ sếp chỉ mang tính chất chỉ trích hơn là hướng dẫn, nhân viên sẽ mất dần động lực làm việc. Một văn hóa dân chủ nửa vời cũng để lại hệ quả tương tự - khi người sếp có thể mời gọi ý kiến, nhưng thực chất chỉ để tạo cảm giác được lắng nghe cho nhân viên mà không thực sự xem xét đề xuất.

2.2. Quá tải công việc, OT không lương

Một công ty có mô tả công việc một đằng nhưng thực tế lại giao việc một nẻo với khối lượng công việc khổng lồ là dấu hiệu cảnh báo lớn. Nếu không có chính sách lương thưởng minh bạch, nhân viên dễ bị bóc lột công sức mà không được công nhận. Làm thêm giờ liên tục mà không được trả công xứng đáng cũng là dấu hiệu của một công ty độc hại.

2.3. Đồng nghiệp tiêu cực, drama liên tục

Một môi trường làm việc đầy rẫy sự cạnh tranh không lành mạnh sẽ tạo ra sự căng thẳng và áp lực không cần thiết. Nếu đồng nghiệp thường xuyên nói xấu, chỉ trích lẫn nhau thay vì hỗ trợ nhau phát triển, đó chính là dấu hiệu của toxic culture. Ngoài ra, nếu nội bộ chia bè phái, kéo bè kết cánh để giành quyền lợi, bạn sẽ khó có cơ hội phát triển trong một môi trường như vậy.

Biểu hiệu của môi trường làm việc không lành mạnh. Nguồn: Freepik

2.4. Thiếu minh bạch về lương, thưởng, cơ hội thăng tiến

Chính sách lương thưởng không rõ ràng, không công khai minh bạch là một trong những dấu hiệu rõ ràng của công ty độc hại. Nếu cơ hội thăng tiến phụ thuộc vào quan hệ thay vì năng lực, nhân viên sẽ không có động lực để cố gắng. Một công ty không có lộ trình phát triển rõ ràng sẽ khiến nhân viên mơ hồ về tương lai sự nghiệp của mình.

2.5. Nhân viên nghỉ việc liên tục

Tỷ lệ nghỉ việc cao chính là một trong những dấu hiệu lớn nhất của toxic culture. Theo báo cáo Randstad Workmonitor, 44% nhân viên cho biết họ nghỉ việc vì môi trường làm việc độc hại. Nếu nhân viên nghỉ việc mà không ai dám phản ánh lý do thật sự, đó có thể là vì công ty không lắng nghe và không quan tâm đến phản hồi của họ. Một công ty không có chính sách giữ chân nhân tài và không tạo điều kiện để nhân viên gắn bó lâu dài sẽ mãi mắc kẹt trong vòng lặp tuyển dụng liên tục.

2.6. Thao túng và đánh tráo khái niệm

Trong môi trường công sở, thao túng và đánh tráo khái niệm thường được sử dụng để làm sai lệch nhận thức của nhân viên. Chẳng hạn, việc giao thêm trách nhiệm nhưng không tăng lương lại được ngụy trang thành “tạo cơ hội để bạn phát triển năng lực”, hay sự kiểm soát vi mô, thiếu trao quyền lại bị tô vẽ thành “tăng cường sự hợp tác và nhất quán”.

Khi lãnh đạo sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để hợp thức hóa quyết định, nhân viên dễ rơi vào thế bị động, mất niềm tin và khó bảo vệ quyền lợi của mình. Nhận diện những chiến thuật này không chỉ giúp mỗi cá nhân tư duy rõ ràng hơn mà còn tạo nền tảng để đòi hỏi một môi trường làm việc công bằng, minh bạch hơn.

3. Nhận Biết Công Ty Độc Hại Thông Qua Buổi Phỏng Vấn

Làm thế nào để xác định một doanh nghiệp có văn hóa độc hại hay không khi chưa trực tiếp trải nghiệm? Bạn có thể tìm hiểu qua ý kiến của những nhân viên cũ hoặc hiện tại, đồng thời quan sát trong buổi phỏng vấn - từ cách nhà tuyển dụng đặt câu hỏi đến việc chủ động đặt câu hỏi để đánh giá môi trường làm việc.

Nhận diện nhà tuyển dụng red flag:

  • Tránh né hoặc trả lời mơ hồ về những thông tin quan trọng như lương, thưởng, đãi ngộ

  • Mô tả công việc không rõ ràng

  • Đề cao quá mức tinh thần cống hiến, chịu được áp lực cao, đa nhiệm

  • Đặt câu hỏi thiếu tinh tế, câu hỏi gây áp lực, phán xét, câu hỏi tình huống giả định vô lý: Bạn đã kết hôn chưa? Bạn có sẵn sàng làm thêm ngoài giờ không? Tại sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì hàng trăm ứng viên khác? Nếu bạn có 5 lãnh đạo nhưng xe chỉ chở được 4 người, bạn sẽ làm gì?

Đặt câu hỏi gì cho nhà tuyển dụng?

  1. “Phong cách làm việc trong công ty và quản lý trực tiếp của tôi là gì?”

  2. “Công ty có chính sách phản hồi như thế nào với nhân viên?”

  3. “Điều khiến anh chị tự hào khi làm việc ở đây là gì?”

  4. “Chính sách làm thêm giờ và đãi ngộ trong công ty được quy định như thế nào?”

Những câu hỏi này giúp bạn nhìn thấy rõ hơn về môi trường làm việc thực tế và tránh được công ty redflag trước khi quá muộn.

Đặt câu hỏi phỏng vấn khéo léo để nhận diện văn hóa doanh nghiệp. Nguồn: Freepik

4. Làm Gì Khi Bạn Đang Mắc Kẹt Trong Môi Trường Độc Hại?

Nếu bạn đang làm việc trong một công ty có văn hóa độc hại, hãy thử những cách sau để bảo vệ bản thân:

Giải pháp thực tế:

  • Ghi nhận & đánh giá: Xác định chính xác vấn đề để tìm giải pháp phù hợp. Nhìn nhận chính xác là bước khởi đầu cho giải pháp thông minh.

  • Đặt ra giới hạn: Không để bản thân bị cuốn vào môi trường tiêu cực, học cách nói “không” với công việc phi lý.

  • Tìm đồng minh: Hợp tác với những đồng nghiệp tích cực để duy trì tinh thần làm việc.

  • Lập kế hoạch thoát ra: Nếu không thể tiếp tục gắn bó, hãy chuẩn bị tìm công việc mới trước khi nghỉ.

  • Tận dụng thời gian để phát triển: Nếu bạn chưa thể rời đi ngay, hãy đầu tư vào kỹ năng mới để có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai.

5. Kết Luận: Đừng Để Toxic Culture Hủy Hoại Bạn!

Môi trường làm việc ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và cuộc sống của bạn. Nếu bạn nhận thấy một hoặc vài dấu hiệu trên, hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định gia nhập. Một môi trường làm việc lành mạnh không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp bạn phát triển sự nghiệp một cách bền vững.