AI đang thay đổi thế giới một cách ngoạn mục, điều này đặt ra cả những cơ hội lẫn thách thức lớn đối với người lao động.

 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực, từ y tế, tài chính, giáo dục đến sản xuất và dịch vụ. Là công cụ tái định nghĩa thời đại, AI mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi lớn: Liệu AI sẽ hỗ trợ hay làm giảm cơ hội việc làm của người lao động? 

40% Người Lao Động Sẽ Bị Ảnh Hưởng Bởi AI

Tháng 1/2024, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo dự đoán rằng đến năm 2030, khoảng 40% lực lượng lao động toàn cầu sẽ chịu tác động từ AI, đặc biệt tại các quốc gia phát triển. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc IMF, nhận định: “Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và nâng cao thu nhập, nhưng nó cũng có nguy cơ xóa sổ nhiều việc làm và gia tăng bất bình đẳng.”

Một trong những lo ngại lớn nhất là khả năng tự động hóa của AI có thể thay thế con người trong nhiều công việc. Ví dụ, nếu trước đây phải chăm sóc và hỗ trợ khách hàng một cách thủ công và mất nhiều thời gian tiếp nhận, thì hiện nay nhờ Chatbot AI, việc phản hồi khách hàng chỉ còn tính bằng giây. Các ngành nghề như lập trình, phân tích tài chính, dịch vụ khách hàng hay thiết kế đồ họa được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này đòi hỏi người lao động phải nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, lập trình và phân tích dữ liệu để thích nghi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo cần thiết. Khoảng cách kỹ năng giữa những người thích ứng được với công nghệ và những người bị tụt lại phía sau ngày càng rộng, đặc biệt đối với lao động phổ thông - nhóm dễ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hàng loạt.

Cơ Hội Mới Từ AI

Dù mang đến thách thức, AI cũng mở ra nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động, đặc biệt tại Việt Nam – nơi năng suất lao động vẫn còn thấp so với khu vực. AI có thể tự động hóa các công việc lặp lại hoặc yêu cầu tính toán phức tạp, mang giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ thực tiễn có thể kể đến việc tập đoàn General Motors đã sử dụng thiết kế sáng tạo (generative design) để tạo ra linh kiện ô tô nhẹ hơn 40% và bền hơn 20%.

Ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhận định: “Dù nhiều người lo ngại AI sẽ cướp đi việc làm, nó cũng tạo ra cơ hội mới.” Các ngành nghề như phát triển phần mềm AI, phân tích dữ liệu và bảo mật mạng đang phát triển mạnh mẽ, mở ra cánh cửa cho người lao động học hỏi và phát triển kỹ năng. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài, tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự.

Tại Việt Nam, người lao động tỏ ra lạc quan về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Theo kết quả từ “Khảo sát Lực lượng lao động Toàn cầu 2023” do PwC công bố, 60% người tham gia khảo sát tin rằng AI sẽ nâng cao năng suất công việc. Bên cạnh đó, 58% xem AI là cơ hội để học hỏi các kỹ năng mới. Thêm vào đó, AI cũng có thể cải thiện an toàn lao động, nhờ khả năng giám sát môi trường làm việc, phát hiện sự cố nhanh chóng và giảm thiểu tai nạn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và y tế.

Làm Sao Để Cân Bằng Lợi Ích Và Rủi Ro Của Người Lao Động Trong Thời Đại AI?

Ông Houngbo nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo người lao động trong các ngành nghề có nguy cơ biến mất được đào tạo lại để thích nghi với xu hướng mới. Giáo dục kỹ năng và học tập suốt đời là chìa khóa.” Để đạt được điều này, cần có các giải pháp cụ thể:

1. Đầu tư vào đào tạo và học hỏi suốt đời: 

Chính phủ và doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng mới, các khóa học và hội thảo giúp người lao động nâng cao hiểu biết và khả năng sử dụng các công nghệ mới, từ đó giúp họ thích nghi và phát triển trong công việc, không bị tụt lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ. 

2. Khuyến khích hợp tác giữa AI và con người:

AI sẽ hỗ trợ người lao động làm việc hiệu quả hơn thay vì thay thế hoàn toàn họ. Việc phát triển các công cụ AI giúp người lao động nâng cao năng suất và giảm bớt công việc tẻ nhạt sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và phát triển hơn.

3. Bảo vệ quyền lợi người lao động:

Những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay thế công việc do AI cần được hỗ trợ để chuyển sang những công việc mới. Chính phủ và các doanh nghiệp nên có cách chính sách hỗ trợ như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp chuyển đổi nghề nghiệp, các chương trình tư vấn nghề nghiệp để giúp người lao động định hướng lại sự nghiệp và tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp phù hợp với xu hướng thị trường.

4. Khả năng tự học hỏi của người lao động

Trong một thế giới mà công nghệ thay đổi liên tục, khả năng tự học hỏi và cập nhật kiến thức là yếu tố then chốt để người lao động không bị tụt lại phía sau. Việc học không chỉ dừng lại ở trường lớp, mà là một quá trình liên tục, kéo dài suốt cuộc đời. Để thích ứng, người lao động cần tự học hỏi, phát triển kỹ năng số, tư duy phản biện và khả năng thích ứng. Các kỹ năng chuyên môn cũng cần được trau dồi để phù hợp với từng ngành nghề cụ thể. Ví dụ:

- Nhân viên marketing: Cần học cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và AI để tối ưu hóa chiến dịch.

- Nhân viên ngành dịch vụ khách hàng: nên học cách sử dụng các công cụ AI để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Kết Luận

Trí tuệ nhân tạo là vừa là động lực thúc đẩy kinh tế và xã hội, vừa đặt ra những thách thức không chỉ cho người lao động mà còn các doanh nghiệp và chính phủ. Để tận dụng tối đa lợi ích của AI và giảm thiểu rủi ro, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Quan trọng nhất, việc đào tạo lại và phát triển kỹ năng mới sẽ là chìa khóa giúp người lao động không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong kỷ nguyên AI.